Thể Loại

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Chuyện ma quỷ thực hư

Chuyện riêng lắm lúc không buồn nghĩ
Nằm khểnh nghe ma kể chuyện đời

     Cụ Nguyễn Du trước đây nói:
Chết là thể phách còn là tinh anh.
Vấn đề chết được hầu hết các dân tộc phải sống cúi đầu coi như là một thất bại cuối cùng của cái sống. Cho nên « Chết là hết, là chấm dứt tất cả mọi sự trên đời ». Nhưng sau cái chết còn cả một thế giới của cõi âm hiện ra, nhất là niềm tin chết là lên Trời hay về Núi của người Việt, chết là về với ông bà tổ tiên xem chừng đoàn tụ ấm cúng thân thiết hơn vài ba quan niệm chết là hết, không linh hồn, không âm phủ niết bàn gì nữa của Duy Vật.
Các dân tộc thiểu số coi cái chết là hết nhưng cũng giống như các quan niệm về Chết thông thường, đằng sau bên kia sự chết còn cả một thế giới của yêu tinh, ma quỷ cô hồn các đảng tụ tập thành thế giới của âm cung, âm trì… nghĩa là chết để hóa ra Ma.
Có nhiều loại ma quỷ, núi rừng có Ma Trành, Ma Xó… dưới nước có Ma Da, nghĩa địa có ma trơi. Ở núi có Ma Hồ, Ma Núi... Chỗ nào cũng có Ma ẩn hiện quanh cuộc sống loài người gây nhiều nỗi lo sợ, kinh hoàng ám ảnh. Người sống sợ ma làm cho bị điên khùng… ma tà quỷ bắt. Vô số chuyện về ma được kể từ xưa đến nay. Ma đẹp, ma xấu, ma dữ ma hiền… đều có cả.
Sợ nhất là Ma lai rút ruột ở biên giới Miên Việt, có khi biến làm con gái đẹp lấy chồng ăn ở có con đàng hoàng, nửa đêm chồng thức tỉnh xoay qua ôm vợ thì chỉ thấy cái bọng không. Người ta kể Ma lai thường bay đi ăn phân người ở các nơi thật xa làng xóm bà con. Người nào bị ăn như thế sẽ bị chết dần mòn. Ma đi ăn suốt khuya mới trở về nhập phần ruột vào bọng thân thể trở lại nằm ngủ như người thường. Loại ma này rất sợ các bụi gai hay hố phân có chất cành lá gai góc chung quanh vì vướng chùm ruột vào đó là không bay về được. Nếu dân làng bắt được chất lửa đốt luôn cả hồn lẫn xác.
Rừng núi Tây nguyên có ma xó, đó là thi thể người qua đời được ướp lại, nhập quan tài, dựng trong xó nhà để canh chừng nhà cửa khi chủ nhân đi vắng. Kẻ lạ vào nhà, nghe tiếng chào hỏi mà không thấy ai bước ra cả. Người biết ý cứ vào ăn uống theo tập quán hiếu khách của buôn làng nhưng cái nón đang đội không nên úp xuống mà đặt nằm ngửa lên thì ma cho là chỗ quen thuộc không hại gì đến tính mạng. Và nhất là không được mang thứ gì ra khỏi nhà sẽ… có chuyện. Ma xó sẽ vật chết ngay người khách tham lam.
Ma Trành là hồn của những người bị cọp ăn, lẩn quất kiếm mạng người cho cọp ăn thế thì mới siêu được. Ma da kéo chân người dưới sông. Ma trơi xuất hiện ban đêm chập chờn trong nghĩa địa.
Mặc dù sau này có nhiều giải thích khoa học cho vấn đề Ma. Ví dụ ma trơi là chất lân tinh từ xương người bốc lên, Ma da là vùng nước xoáy nguy hiểm… nhưng Ma vẫn để lại vô số  câu chuyện thêu dệt huyền hoặc. Những câu chuyện có thật lẫn lộn hoang đường truyền miệng nhau. Saigon nổi tiếng nhất là Con ma nhà họ Hứa hay Con ma nhà chú Hỏa. Chú Hỏa là Hoa kiều vào VN đi bán ve chai, sau này giàu có xây nên tòa biệt thự rất bề thế bây giờ là Nhà bảo tàng mỹ thuật. Chú có cô con gái mất sớm, gia đình thương tiếc không chôn mà quàn lại trong nhà. Người làm thân tín thường ngày tới bữa đều cơm bưng nước rót như người sống nhưng không được nhìn mặt, nếu tò mò thì chỉ thấy đó là gương mặt ghê rợn của một con ma. Về sau người ta giải thích chỉ là cô gái mắc bệnh hủi nên gia đình cho sống cách biệt không gặp gỡ ai. Thời đó hủi là bệnh nan y không chữa được nên cô dần dần biến dạng gây kinh sợ cho người bất chợt nhìn thấy.
Ma cũng thường ăn theo miếu đình cúng thần linh. Thường thì ma dữ hại người, ma le nhỏ chỉ phá phách chơi mà thôi. Bác Hoài Nam, họa sĩ chuyên dựng cảnh cho điện ảnh, cải lương kể một căn nhà gần đường Vạn Kiếp, Gia Định hồi trước, anh em mướn ở chung thường khi đang ngủ bỗng cười ngất do bọn tiểu quỷ chọc lét. Phải đem quà bánh cúng như cúng cô hồn chúng nó mới để yên cho mà ngủ.
Trong các truyện ma có lẽ Tây Du Ký với Tề Thiên đánh yêu quái là sôi nổi hơn hết, nhưng trữ tình không loại nào hơn được Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, vừa hấp dẫn với các nàng Hồ ly Tinh đa tình lại vừa mang ý nghĩa sâu thẳm của tư tưởng Sống Chết và nhân sinh của con người. Nước Nam ta cũng lắm yêu tinh hồ mỵ dối gạt nẳm trong Lĩnh Nam Trích Quái.
Nay có mấy truyện Ma thời xưa kể cũng có thể làm quà cho bạn đọc chơi vậy. Xưa nhưng không xưa quá, cách đây chừng… nửa thế kỷ thôi.
 Thời bé thơ, trẻ con nào mà chẳng thích nghe chuyện ma, nhất là vùng quê. Thời đó tôi ở miệt tỉnh, Sađéc không rộng lắm, chạy dài theo kinh rạch nên có câu ;
Ghe Sađéc số sáu mũi vàng
Mua bán bạc ngàn hỏi xin xu nhỏ.
Đó là các loại ghe chài lớn mang số 6, mũi ghe sơn vàng, thường có lư hương ghép mũi để cắm nhang cúng bà Thủy. Thôn nữ dưới quê quá tuổi trưởng thành mười tám, lâu chưa lấy chồng thường ngồi ngó hoài hình ảnh mình trong tấm kiếng soi mặt. Người con gái đó bị coi là bà Thủy hành hay còn gọi « mắc thằng Bố », không biết tthằng Bố là thế nào.
Lịch sử đời Trần nơi thờ thần tướng Trần Hưng Đạo vương thờ cả tên Nguyễn văn Linh. Tên này học phù thủy theo quân Mông Cổ vào cướp nước Nam bị Trần Hưng Đạo bắt được chém bêu đầu. Hồn tên Linh từ đó biến thành quỷ quái dữ tợn, thường hiện thành người đàn ông tốt mã, nửa đêm hiện vào phòng the gái đồng trinh bắt hồn khiến các cô ngày đêm mơ tưởng, cứ soi gương mơ mơ màng màng như tương tư. Không biết « thằng Bố » mà người dân hay mắng có phải là tên Nguyễn văn Linh này không.
Hắn lộng hành ở thôn quê, thành thị nơi nhà công tử vương tôn đài các. Sau này lộng hành quá, người ta phải kiếm thầy pháp đi bắt hồn. Phép Linh cao quá, thầy pháp bị nó giết hại « vật » cho gãy cổ mắc bệnh chết nhiều, Chẳng ai trong thời Trần trừ yếm được. Sau ngài Trần Hưng Đạo dùng bùa trong sách Kỳ Môn Độn Giáp và Vạn Kiếp Bí Truyền mới bủa vây bắt được hồn tên Linh đánh tan nát giam vào một chỗ dùng bùa trấn ếm. Từ đó mới yên được.
Ngoài ra còn bà La sát chuyên làm viêc ác đức mà dân miệt vườn rất sợ, cúng tế trọng hậu để bà khỏi ra tay hại người.
Ma quỷ lộng hành nhiều nên nên lưu truyền nhiều câu chú, nếu đi đường nắng có sợ đọc lên thì sẽ trấn được ma quỷ. Câu chú trừ tà của Thất Sơn Thần Quyền là « Móng Na Sa Ta Bà Á Rá A Ra Hăng Á »
Những đêm trời mưa giông ở vùng quê tối tăm, đi đâu phải nhờ đom đóm soi đường. Trẻ em thường bắt đom đóm bỏ vào chai, lấy ánh sáng lập lòe đó mà chơi. Đi chơi đêm, một đám con nít tụ lại, có đứa đốt nhang, có đứa cầm đom đóm. Nhưng chơi với đom đóm thì sợ ma giống như sợ ma trơi ở bãi sông vậy.
Tôi nhớ cái trò vui nhất thời trẻ là trò đi đánh ma. Khi người lớn hay thầy pháp trong xóm bảo chạy vào vườn tược buổi tối trời đi bắt ma thì lũ con nít hớn hở, vừa tỏ bộ dạng ta đây gan góc anh hùng. Chúng nghe lời thầy pháp bẻ lấy nhánh dâu làm roi. Cây dâu tằm ăn từ xưa vẫn được coi là trừ tà. Người nhà quê mỗi lần đi đêm thường bẻ nhánh dâu cầm theo, vừa đi vừa quất vào các bờ bụi rậm hai bên đường để đuổi ma quỷ hiện hình trêu ghẹo bắt bớ. Con nít từng đàn chạy theo ông thầy pháp đánh bắt ma quỷ vào các vùng tối tăm rậm rạp sâu trong ruộng vườn hồ ao tối mịt. Vừa chạy vừa la hét, vừa dùng roi quất tứ tung, có đứa sợ ma ở phía sau nên đánh roi ngược cả sau lưng.
Ông thầy pháp thì tay bắt ấn Lỗ Ban chạy đằng trước, miệng đọc luôn câu : « Án Ma Ni Bác Rỵ Hồng… Úm Lam ! Úm Lam ! » Thật ra câu này là thần chú của Mật Tông : « Hom Ma Ni Bat Mê Hom, Prum ». Có khi ông đọc cả câu :
Sắc tứ tung ngũ hoành
Ngô kim xuất hành
Cấp cấp như luật lịnh
Đến một chỗ, ông đứng lại đọc đi đọc lại câu chú, vừa bậm đầu ngón chân cái, vừa vẽ bóng xuống đất bốn lần xổ từ trên xuống, năm lần xổ ngang, ấn đầu ngón cái thật mạnh ở giữa chữ bùa Tứ Tung Ngũ Hoành đó thật lâu.
Lũ trẻ chạy nhào tới bu quanh thầy pháp hỏi :
- Thầy ơi sao ngừng lại không đi bắt ma nữa ?
Đứa khác la lớn chộn rộn:
- Ở đằng trước trong lùm chuối có ma đó.
Ông thầy pháp nạt :
- Đừng nói, im đi nó nghe tiếng thì bắt luôn cả mình đó.
Tụi con nít nín thinh, cầm roi dâu quất sàn sạt quanh mình. Lát sau, thầy pháp nói:
- Xong rồi.
- Ở đâu hả ông ?
- Ở đây… có quỷ !
Con nít tái cả mặt, có đứa xón đái ra quần. Đứa em gái thằng Quýt bỗng nhiên ôm mặt ngồi xuống. Nó bị… tè ra đấy… Thầy pháp nói:
- Con quỷ đó to như con trâu cổ, đen thui đen thích, chắc nó là con ma trâu.
Đám nhỏ la lớn:
- Trời ơi ! Rồi nín bặt. Có đứa mọc ốc cả người .
Thầy pháp nói:
- Tao đã yếm nó tại đây mà xử tội rồi.
Ông tự hào đưa ngón chân cái bên mặt ra lo le hù mấy đứa nhỏ.
- Đây tao vẽ bùa ấn nó bằng ngón chân này, nó dẹp lép chết ngắc rồi.
Có đứa ho lên:
- Đâu đâu! Nó ở đâu!
Nó tan cả hồn lẫn phách rồi. Tụi bây con nít… làm sao mà thấy được!
Đám con nít hươi roi dâu lên vùn vụt, cùng ông thây pháp quay trở về, chúng nó hò reo say sưa như có một chiến thắng lớn! Như các chiến tích dỏm ở trên báo đài trong vùng giải phóng hồi trước vậy.

Sa Giang
 
From: Việt Luận Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét