Thể Loại

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Tội Ác của vua Gia Long (Vô Danh)

giamoi.jpg
Gia Long Hoàng Đế


Sự Trả Thù Của Nhà Nguyễn Ðối Với Nhà Tây Sơn

Tháng 07 năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh trở về Phú Xuân, đem Vua Tôi nhà Tây Sơn ra báo thù.
Tất cả các võ tướng đều bị tử hình, Trần Quang Diệu bị lột da, các tướng khác bị voi chà, người trảm quyết.
Từ vị Đại Tướng đến viên Tuỳ Tướng, thảy thảy đều giữ bản sắc anh hùng, không một nét sợ hãi, không một lời cầu nhiêu, hiên ngang, khẳng khái.
Riêng đối với Bùi Thị Xuân, Nguyễn Phúc Ánh dùng hình phạt khốc liệt nhất quán cổ kim !
Vốn nghe danh nữ kiệt, Nguyễn Phúc Ánh truyền đem đến xem mặt, Nguyễn Phúc Ánh tự đắc hỏi :
- Ta và Nguyễn Huệ, ai hơn ?
Nữ kiệt ung dung đáp :
- Nói về tài ba thì Tiên Ðế ta bách chiến bách thắng, 2 bàn tay trắng dựng nên cơ đồ. Còn nhà ngươi bị đánh phải trốn chui trốn nhủi, phải cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Pháp. Chỗ hơn kém rõ ràng như ao trời nước vũng. Còn nói về đức độ, thì Tiên Ðế ta lấy nhân nghĩa mà đối xử với kẻ trung thần thất thế, như đã đối với Nguyễn Huỳnh Ðức, tôi nhà ngươi. Còn nhà ngươi lại dùng tâm của kẻ tiểu nhân mà đối với những bậc nghĩa liệt, đã hết lòng vì chúa, chẳng nghĩ rằng ai có chúa nấy, ái tích kẻ tôi trung của người tức là khuyến khích tôi mình trung với mình. Chỗ hơn kém cũng rõ ràng như ban ngày và đêm tối. Nếu Tiên Ðế ta đừng thừa long sớm, thì dễ gì nhà ngươi trở lại đất nước này.
Nguyễn Phúc Ánh hỏi gằn :
- Nhà ngươi có tài sao không giữ ngai vàng cho Cảnh Thịnh ?
Nữ kiệt đáp :
- Nếu có thêm một nhi nữ như ta nữa thì cửa Nhật Lệ không dễ gì mà lạnh. Cửa Nhật Lệ không để lạnh, thì nhà ngươi cũng khó mà đặt chân lên đất Bắc Hà.
Nguyễn Phúc Ánh hỏi có muốn xin ân xá không ?
Nữ kiệt đáp :
- Ta đâu có sợ chết mà phải chịu nhục, hạ mình trước một kẻ tiểu nhân đắc thế ?
Nguyễn Phúc Ánh căm gan, dằn từng tiếng :
- Không chịu nhục ? Ta sẽ làm cho mi biết nhục.
Liền truyền lệnh : Ðem Bùi Thị Xuân về Bình Ðịnh, cởi bỏ hết quần áo, cột đứng trên tù xa đẩy đi khắp các nơi thị tứ.
Nhân dân Bình Ðịnh nghe tin, không ai bảo ai, mà mỗi lần xe nữ kiệt đi qua, thì nhà hai bên đường đều đóng kín cửa, người đi đường, người nhóm chợ, đều ngoảnh mặt bỏ tránh xa.
Xe đến vùng Ðập Ðá là nơi dệt lụa, thì những tấm lụa tinh khôi bay tung vào xe. Lớp bị bọn tướng sĩ hộ tống vung gươm chém đứt, theo gió bay lên không trung, lớp rơi vào xe phủ kín châu thân nữ kiệt.
Nữ Kiệt lại bị giải về Phú Xuân, Nguyễn Phúc Ánh hỏi :
- Ðã biết nhục chưa ?
- Nhục nào có vương vào thân ta, mà chính đổ lên đầu nhà ngươi, con người tánh độc hơn sài lang, lòng nhớp hơn cẩu trệ.
Nguyễn Phúc Ánh tức giận, truyền bắt mấy người con của nữ kiệt đem ra giết trước mặt nữ kiệt. Mấy người con nhỏ thì sai lực sĩ bỏ vào bao vải, đánh nát thây. Còn người con gái lớn thì cho voi xé xác. Thấy voi đến, người con gái hoảng sợ kêu lên :
- Mẹ ơi ! Cứu con với !
Nữ kiệt hét lớn :
- Con nhà tướng không được khiếp nhược.
Người con gái liền nhắm mắt thọ hình, không một tiếng rên rĩ. Ðến lượt nữ kiệt.
Chúng trói nữ kiệt để nằm ngửa trên cỏ. Ba hồi trống dứt, một con voi to lớn hung hăng chạy đến, giơ chân toan chà. Nữ kiệt trợn mắt hét một tiếng như sấm nổ. Con voi thất kinh thối lui. Bị nài giục, voi bước tới một lần nữa, nhưng vừa bước tới liền dừng bước ngay, thúc mấy cũng không dám tiến. Lính lấy giáo đâm, voi thét lên một tiếng rồi bỏ chạy.
Nguyễn Phúc Ánh tức mình, sai dùng hình phạt điểm thiên đăng.
Chúng lấy vải nhúng sáp nóng đem quấn khắp mình nữ kiệt, rồi đem cột nữ kiệt nơi trụ sắt dựng giữa trời. Ðoạn châm lửa đốt. Nữ kiệt bình tĩnh, nét mặt không chút thay đổi. Lửa cháy phừng phực từ dưới lên trên, sáng chói thấu mây. Ai nấy đều xúc động.
Riêng Nguyễn Phúc Ánh tỏ vẻ hân hoan !
Lửa cháy hồi lâu. Bốn bề im phăng phắc. Bỗng một tiếng nổ.
Sọ nữ kiệt vỡ. Một lằn thanh quang bay vút lên tầng xanh !
Xử tướng võ xong, xử đến các quan văn.
Phần nhiều đều được tha về cho làm ăn.
Riêng Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích thì bị giải về Thăng Long và đánh đòn tại Văn Miếu.
Phan Huy Ích còn sống trở về nhà.
Ngô Thời Nhậm bị Ðặng Trần Thường đánh chết.
Ðặng Trần Thường là một danh sĩ Bắc Hà. Lúc Ngô Thời Nhậm được Vua Quang Trung trọng dụng, thì Ðặng Trần Thường đến xin Ngô tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Ngô thét bảo Thường :
- Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh giúp Vua cai trị nước. còn muốn vào lòn ra cúi thì đi nơi khác.
Ðặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi mang khăn gói vào Nam, phụng sự Nguyễn Phúc Ánh.
Nay đắc thế liền trả thù xưa.
Ðó là đối với bề tôi nhà Tây Sơn. Còn đối với nhà Tây Sơn thì Nguyễn Phúc Ánh chém tất cả dòng họ, từ Vua Bửu Hưng, cho tới một em bé mới sanh mà đã lọt vào ngục thất. Lại truyền đào mả Vua Thái Ðức và Vua Quang Trung, nghiền xương đổ xuống bể. Còn sọ thì đem xiềng nơi ngục thất trong hoàng cung để làm lọ đi tiểu.
Ðể nhổ cỏ cho sạch gốc, Nguyễn Phúc Ánh sức mọi nơi truy tầm những bà con gần xa của họ Nguyễn Tây Sơn, và những tướng tá của Tây Sơn còn trốn tránh nơi sơn dã.
Hai người con Vua Thái Ðức là Văn Ðức, Văn Lương và cháu nội, con Nguyễn Bảo, là Văn Ðẩu, nương náu nơi Mộ Ðiểu, vùng An Khê. Vua tôi nhà Nguyễn biết nhưng sợ người Thượng, không dám đến bắt. Mãi đến năm Minh Mạng thứ 12 (1832) thấy tình thế đã yên, 3 chú cháu mới đem nhau về thăm quê cũ ở Kiên Mỹ. Bọn bất lương đi mật báo. Quân nhà Nguyễn đến vây bắt giải về Phú Xuân giết chết.
Các danh tướng giúp nhà Tây Sơn dựng nghiệp, phần lớn đã qua đời, như :
- Nguyễn Văn Tuyết đã cùng vợ con tuẫn nghĩa sau khi thất thủ Bắc Thành.
- Võ Văn Nhậm bị Nguyễn Huệ giết chết.
- Ðặng Xuân Bảo hy sinh trong trận Nguyễn Phúc Ánh đánh lấy Thanh Hoá.
- Ngô Văn Sở bị dìm xuống sông vì nạn Bùi Ðắc Tuyên.
- Lê Văn Hưng bị Cảnh Thịnh nghe lời Bùi Ðắc Tuyên giết chết.
- Võ Ðình Tú bị trúng tên chết lúc Nguyễn Phúc Ánh đem đại binh đánh Quy Nhơn.
- Lê Văn Trung bị Cảnh Thịnh giết.
Còn sống ở ngoài tầm nanh vuốt của Gia Long chỉ được ít người : Võ Văn Dũng, Ðặng Văn Long, Ðặng Xuân Phong, Phan Văn Lân, Phạm Công Chánh, Lê Sĩ Hoàng, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Lộc.
Sau khi thoát nạn, Võ trở về Phú Phong, rồi lên An Khê, chiêu mộ được một số người Thượng, chuẩn bị việc phục thù. Lấy hòn Hợi Sơn ở Trinh Tường (Bình Khê) làm căn cứ quân sự. Do đó mà Hợi Sơn còn có tên là hòn Ông Dũng.
Nghe tin Ðặng Văn Long ẩn náu ở Vân Hội (Tuy Viễn) bèn tìm đến bàn đại sự.
Ðặng Văn Long, sau trận Ðống Ða thì đã có ý lui gót. Nhưng vì mấy kẻ bề tôi của Lê Chiêu Thống không nghĩ đến tội cõng rắn của mình, cứ nổi lên chống lại nhà Tây Sơn, nên Ðặng phải nán lại để đánh dẹp. Ðến khi thấy Cảnh Thịnh để cho quần thần lộng hành, mối nước sanh rối, Ðặng bèn từ chức, trở về An Nhơn mở trường dạy võ. Nhưng rồi thấy kẻ học võ lúc này không có chí lớn, ai nấy cũng chỉ nghĩ đến lợi riêng, Ðặng liền đóng cửa trường, lên núi làm rẫy.
Võ Văn Dũng đến, Ðặng mừng được gặp lại cố tri. Nhưng khi nghe Võ bàn đến chuyện phục hưng thì lắc đầu, đáp :
- Tôi ra giúp nhà Tây Sơn đâu phải vì nhà Tây Sơn mà chính vì Tổ Quốc. Nếu giặc Thanh không mang quân sang xâm lấn nước ta, thì tôi mãi làm con hạc nội, máu đâu dính đến tay. Còn về nhà Tây Sơn, chính Cảnh Thịnh đã làm mất. Song nếu Vũ Hoàng không bỏ đích lập thứ thì đâu đến nỗi nước này ? ! Nay đất đã mất mà lòng người cũng mất, hỏi còn mong làm được việc gì nữa ? Mà dù có làm được nữa thì làm để làm gì, nếu không phải để tranh chiếm ngôi báu ? Tranh cho ai ? Cho nhà Tây Sơn hay cho chính mình ? Thôi, trên 30 năm trời đánh nhau, nhân dân đã điêu đứng rồi, không nên gieo rắc thêm tang tóc.
Võ ra về, Ðặng lên ở luôn trên núi. Trong nơi mây khói, không ai biết Ðặng ở ngọn núi nào trong dãy Nam Sơn.
Ý kiến của Ðặng Văn Long không lay chuyển ý chí của Võ Văn Dũng nổi.
Về Bình Khê, Võ Văn Dũng tiếp tục xây dựng lực lượng chiến đấu. Toàn vùng An Khê và những vùng ở 2 bên bờ sông Côn, như Tiên Thuận, Vĩnh Thạnh, Ðồng Phó, Hà Nhung, Trinh Tường, Phú Lạc, Phú Phong, Kiên Mỹ … đều nằm trong phạm vi hoạt động của Võ Công. Nhưng được ít lâu, người Thượng Xà Ðàng bị nhà Nguyễn mua chuộc, rục rịch làm phản. Công phải bỏ hết cơ sở, đem 3 chú cháu Văn Ðức, Văn Lương, Văn Ðẩu lên ẩn náu tận trên Núi Xanh.
Ca dao địa phương có câu :
Củ lang đồng Phó, đỗ phộng Hà Nhung
Chàng bòn thiếp mót để chung một gùi
Chẳng qua duyên nợ sụt sùi
Chàng giận chàng đá cái gùi chàng đi …
Chim kêu dưới suối Từ Bi Nghĩa nhân còn bỏ huống chi cái gùi Ðó là mượn thể tỷ để nói về việc bất hoà giữa Võ công và người Thượng.
Võ công lên Núi Xanh ở cùng ba chú cháu Văn Ðức cho đến khi ba chú cháu bị sa vào lưới Vua Minh Mạng. Còn trơ trọi một mình, công vẫn sống một cách tự tại ngót mười năm nữa. Công mất dưới triều Thiệu Trị, không rõ năm nào, sống trên chín mươi tuổi. Mãi đến khoảng Ðồng Khánh, Thành Thái (1885-1907), con cháu mới lấy cốt đem về chôn ở Phú Phong.
Cụ Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì có bài Vịnh Võ Ðô Ðốc :
Tạo vật khốn hào kiệt Y tương sử hữu vi Công danh vị túc ngôn Hoặc tác xuất thể ty (tư) Võ công dũng quán quân Bách chiến khởi Tây thuỳ Thiên phương yểu trung nguyên Ðãi phi nhất mộc chi Thoát thân tứ thập niên Thế nhân thức công thuỳ Ðản kinh sơn thạch gian Hữu thử hùng báo ty (tư) Ngã diệc chí phương ngoại Bạch đầu vị phùng sư Niên niên hạnh thế phóng Thảng toại dữ thế từ Tùng công du Ngũ Nhạc Khể thủ thôn linh chi Kim cốt hoán lục tuỷ Khiêm nhiên tùng sao phi Nghĩa là :
Tạo hoá làm khốn đốn kẻ hào kiệt Ý muốn cho họ làm một việc gì.
Công danh không đủ nói, Hoặc giả bày ra cơ hội để họ thoát đời.
Cái dũng của Võ công thật quán quân, Từ biên giới phía Tây nổi lên, trăm trận trăm thắng Nhưng trời muốn dứt nửa chừng Thì một cây không chống nổi.
Thoát mình khỏi nạn ngót bốn mươi năm Người đời ai biết ông ?
Sống lâu ngày trong nơi núi vây đá chất Ông có tư thế mạnh như gấu như hùm Tôi cũng có ý muốn xuất thế, Nhưng đã bạc đầu mà chưa gặp được thầy.
Làm quan may được đuổi về Năm năm rảnh rang Muốn thoát khỏi cuộc đời Theo ông đi dạo chơi khắp năm ngọn núi Tiên Cúi đầu ăn cỏ linh chi, Xương vàng đổi tuỷ xanh Nhẹ nhàng bay theo sóng tùng.
Ngoài Võ Văn Dũng, còn một số lương tướng nữa thoát luật ác nghiệt của Gia Long, như :
+ Ðặng Xuân Phong năm Cảnh Thịnh thứ III, được thăng chức Thái Phó, ban tước Huyện Công Tuy Viễn. Ðến khi Nguyễn Bảo bị giết, bà họ Trần đem con cháu lên An Khê lánh nạn, thì Ðặng Công từ quan lui về Dõng Hoà dưỡng lão. Ðược năm năm, nghe tin Phú Xuân thất thủ, Vua Cảnh Thịnh chạy ra Bắc Thành, Công mở tiệc mời thân bằng cố hữu đến, nói :
- Kẻ hào kiệt ra phò nhà Tây Sơn, phần nhiều đều là bậc trung nghĩa. Nhưng hầu hết đều dày công dày sức trong lúc xây dựng, mà không một ai đủ khả năng chống đỡ trong lúc ngã nghiêng ! Nay mai mà Nguyễn Phúc Ánh thu trọn cả Bắc Nam, thì đất bằng nổi sóng, đám cựu thần nhà Tây Sơn, không còn chỗ đặt tay chân. Nếu đợi nước đến trôn, thì không còn nhảy kịp nữa.
Mấy hôm sau, có người đến thăm, thì thấy nhà không vườn trống. Ðặng công đưa gia quyến đi lúc nào và đi về đâu, không một ai hay biết.
+ Phan Văn Lân, lo việc biên phòng, nghe tin Cảnh Thịnh đoạt sự nghiệp của Thái Ðức, than dài một tiếng :
- Luân thường đã đứt, sự nghiệp không thể nào vững được lâu ! Rồi giao công việc trong quân cho vị phó tướng, về An Thái thăm thầy. Thầy đã mất rồi, phò mã Trương Văn Ða cũng đã mất. Nơi xưa không còn ai là người cũ. Công bèn hỏi thăm phần mộ, ra thắp hương lạy thầy, ra đi … Như đám mây trôi trên ngàn thẳm.
+ Phạm Công Chánh trấn thủ Quảng Nam, Lê Sĩ Hoàng trấn thủ Quảng Nghĩa, nghe tin Bắc Thành thất thủ, liền mở kho phân phát hết quân lương quân trang cho binh sĩ, cho mọi người về quê quán làm ăn, còn mình thì một thương một ngựa ra đi. Phạm Công Chánh về ẩn núi Phương Phi tại Phù Cát, sau ra Cao Bằng. Lê Sĩ Hoàng về Quảng Nam, lên ẩn nơi Ngũ Hành Sơn.
+ Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Lộc ở Quy Nhơn, cũng như Phạm Công Chánh, Lê Sĩ Hoàng ở Quảng Nam, Quảng Nghĩa, sau khi được tin Vua Cảnh Thịnh bị bắt, thì giải tán quân đội. Ông Lộc về Kỳ Sơn, dùng Hầm Rùa làm nơi trú ẩn. Ông Huy lên Dương An nương náu, thỉnh thoảng về Phú Yên thăm quê hương, và ra Kỳ Sơn thăm ông Lộc.
Trừ Võ Văn Dũng, Nguyễn Quang Huy cũng như Nguyễn Văn Lộc và hầu hết các tướng còn sống sót, không một ai nuôi chí phục thù.
Một hôm ông Lộc hỏi ông Huy :
- Cựu thần nhà Tây Sơn, văn cũng như võ, còn khá nhiều tay tài tuấn, sao không hợp sức lại để lo việc phục hưng ? Như thế chẳng ra là không tận trung với cựu chúa hay sao ?
Ông Huy đáp :
- Những anh hùng nghĩa sĩ, ra giúp nhà Tây Sơn từ ngày mới khởi nghĩa cho đến nay, không ai phụ nhà Tây Sơn. Tất cả đều lo tròn bổn phận cho đến giờ chót, như thế là tận trung. Nay nhà Tây Sơn đã không còn nữa thì chúng ta còn trung với ai ? Bầy tôi của Vua Lê Chiêu Thống bo bo giữ lòng trung với cố chủ, nổi dậy đánh ở miền Bắc, hết lớp này đến lớp khác, đã chẳng lợi gì cho nhà Lê mà còn làm khổ dân hại nước. Phải nghĩ đến dân đến nước trước. Không có thể làm lợi cho dân cho nước thì nằm yên chớ không nên gây thêm rối. Trung với một người, một nhà mà làm hại cho dân cho nước, thì trung ấy, kẻ chân chính không nên nghĩ đến. Trung ấy không phải là trung.
Nguyễn Phúc Ánh dò biết tung tích của một số cựu tướng nhà Tây Sơn, tìm đủ cách để tận diệt. Nhưng núi non đã hiểm trở lại thêm người địa phương che chở, nên mọi người đều sống yên. Không bắt giết được, Nguyễn Phúc Ánh bèn dụ hàng, nhưng không người nào đáp ứng.
Báo quốc nhất thân đô thị đảm Giao tình thiên tải chỉ luân tâm [100] Nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn vô cùng khắc nghiệt. Quật mả Vua Thái Ðức, Vua Quang Trung, chém giết dòng họ, tướng tá nhà Tây Sơn đến thế, Nguyễn Phúc Ánh chưa cho là đủ, còn truyền đào mồ mả của cha ông 2 nhà anh hùng áo vải và của những người đã theo nhà Tây Sơn và đã chết trước khi non sông đổi chủ.
Quan quân nhà Nguyễn chú ý nhất là những mồ mả ở trong vùng đất Tây Sơn.
Trước hết là mộ ông Nguyễn Phi Phúc.
Truyền rằng mộ nằm trên dãy Hoành Sơn, thôn Trinh Tường.
Tìm khắp nơi, thì thấy sát chân núi phía Đông, khoảng giữa, nổi lên một trảng đất lum lum, trong khoảng này dáng núi hơi cong cong. Ðứng phía trước trông vào thì phảng phất giống một chiếc ghế bành vĩ đại, mà lưng và tay tựa vào núi, còn mặt ghế là trảng đất. Trên trảng đất, nằm song song 2 tảng đá xanh to lớn, hình chữ nhật. Người ta bảo đó là mộ của vợ chồng Nguyễn Phi Phúc. Bọn đào mồ mừng rỡ, ra sức cạy 2 tảng đá lên. Hài cốt không thấy đâu mà chỉ thấy 4 chum dầu phụng đã lưng, trong mỗi chum có một ngọn đèn chong đương cháy [101].
Ai cũng biết 4 chum dầu đó là của nhà Tây Sơn chôn, song mục đích để làm gì, thật không ai biết. Biết rằng không phải mộ ông Phúc, quân nhà Nguyễn tìm khắp nơi, song không thấy dấu tích.
Những mả vôi to lớn ở trong vùng Bình Khê đều bị quật.
Có 3 khóm lớn nhất, một ở bờ sông Côn phía Trinh Tường, một ở thôn Phú Lạc, một ở thôn Kiên Mỹ, trên bờ sông Côn. Xương cốt đều ném xuống sông !
Những ngôi mộ này là mộ của các vị đại thần phò Vua Thái Ðức.
Ở thôn Trường Ðịnh cũng có ba ngôi mộ rộng lớn và rất kiên cố của đại thần nhà Tây Sơn. Nhưng khi nghe tin Quy Nhơn bị Phúc Ánh chiếm thì gia đình người khuất liền đục bỏ bia cũ, thay vào tấm bia mới mang tên đàn bà. Nhờ vậy mà khỏi bị quật[102].
Nhà Tây Sơn dẫy cỏ không sạch nên nhà Nguyễn mọc trở lại. Ðể nhà Tây Sơn khỏi mọc lại, Nguyễn Phúc Ánh cho dẫy tận gốc. Nhưng than ôi, đến cả gốc cỏ đã khô gần mục mà cũng bị dẫy ! Quả là độc thủ !
Ðể tránh nạn tru di, con cháu những người có liên hệ ít nhiều đến nhà Tây Sơn, phần nhiều đều phải thay tên đổi họ, đi ẩn náu ngoài xứ lạ nơi xa.
Chính sách dẫy cỏ thật sạch gốc của Gia Long làm lụy chẳng những người mà còn đến cả vật, nhất là vùng Tây Sơn.
Sách vở, giấy tờ đều bị tiêu huỷ. Ðiển hình là những tập gia phả của họ Võ ở Phú Phong, họ Bùi ở Xuân Hoà, họ Ðặng ở Dõng Hoà, họ Trần ở Trường Ðịnh … Cho đến những bộ sử, những tập thơ văn … sản xuất đời Tây Sơn cũng cấm không được lưu hành, tàng trữ, như bộ Trần Triều Thông Sử Cương Mục của Lê Văn Nhân ở An Nhơn, phụng chiếu soạn năm Quang Trung thứ tư (1791), bộ Lê Triều Thực Lực do Võ Xuân Hoài tổng tu dưới triều Cảnh Thịnh … Những tập thơ Hán có Nôm có của nhóm Tứ Tài Tử ở Tuy Viễn và Song Hoài Thi Xã ở Bồng Sơn, tập thơ ca văn tế bằng chữ Nôm của La Xuân Kiều ở Phù Cát v.v …
Những môn võ thời Tây Sơn thường dùng, một số bị cấm. Thời Tây Sơn võ nghệ rất thịnh. Có 4 môn nổi tiếng là Côn, Quyền, Kiếm, Cổ. Nhưng khi đem áp dụng vào việc binh thì quyền thay thế bằng kỳ.
Côn, quyền, kiếm thời nào cũng có nơi nào cũng có. Chỉ có môn kỳ và cổ e chỉ Bình Ðịnh mới có và chỉ đời Tây Sơn mới dùng.
Kỳ là cờ - lá cờ vuông mỗi bề rộng chừng hai sải dệt bằng thao càn rất dày rất chắc, trừ phía kết vào cán cờ, ba phía kia đều móc sắt thay tua. Lá cờ vừa dùng để chỉ huy vừa dùng để giết giặc.
Phải là người có sức mạnh và có võ giỏi, mới sử dụng được.
Cổ là trống. Trống lớn như trống chầu. Khi tập luyện thì đứng trên hai khối gỗ tròn lớn gấp đôi quả bưởi. Ðôi chân phải điều khiển hai khối tròn đó một cách lanh lẹ. Còn cùi chỏ, bàn tay, vai, đầu đều phải dùng để đánh và đỡ mấy cái trống, theo từng bài luyện võ. Khi thì dùng 2 trống, khi thì dùng 4, khi thì dùng tám, khi thì dùng mười ai, tuỳ trình độ và sức vóc của võ sĩ. Trống treo ở trước mặt. Biểu diễn một lần từ 1 đến 6 người. Mỗi người 2 trống. Không phải người nào đứng chỗ nấy, mà luôn luôn đổi chỗ lẫn nhau.
Khi ra trận thì dùng 2 trống, đặt trên xe đẩy, và dùng dùi trống thay tay. Dùi trống không phải chỉ dùng để đánh trống thúc quân mà còn dùng làm khí giới giết địch.
Gia Long cấm kỳ, kiếm, cổ.
Kỳ không bị cấm cũng không ai dùng nổi và cũng không ai học làm gì trong lúc không chiến tranh.
Kiếm chẳng những cấm dạy cấm học, mà trong nhà có kiếm cũng bị tội.
Cấm kiếm lẽ tất nhiên cũng cấm luôn đao.
Cho nên nghề kiếm và đao ở Bình Ðịnh bị mất hẳn.
Còn cổ thì cũng thất truyền. Và môn võ biến thành môn nhạc. Võ thì đánh trống chầu và đánh trống treo. Nhạc thì đánh trống chiến và trống để đứng. Nhưng những bài luyện võ vẫn được đem dùng vào việc đánh nhạc.

Nói tóm lại là tất cả những tinh ba của đất nước sản xuất thời Tây Sơn, đều bị Gia Long tìm đủ cách để tận diệt. Tận diệt để không còn gì làm cho người đời nhớ đến Tây Sơn.
Tên vùng đất phát tích ra nhà Tây Sơn cũng bị đổi ra An Tây.
Diệt tận gốc, nhổ sạch rễ !

Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

THẦY BÓI SÀI GÒN NGÀY XƯA


Tác giả: Vi Khuê





Mỗi năm, hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Trên phố đông người qua

Năm nay đào lại nở

Chẳng thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ !


Hai đoạn thơ giản dị của Vũ Đình Liên không ngờ ở lại với đời lâu đến thế. Lâu đến nỗi, hầu như mỗi lần Tết đến, có dịp viết bài về xuân, là mỗi lần ‘các nhà văn’ lại nhớ đến hoa đào nở với ông đồ già như biểu tượng một cài gì đẹp đẽ nhất đã đi qua, và không bao giờ trở lại.

Ngày Tết, nhớ ông đồ già. Nhớ những ông đồ già, những cụ đồ già với mực tàu giấy bản, với ngọn bút lông. Đó là các cụ xưa kia đã ngồi bên lề đường để viết câu đối bán cho khách mang về treo trong ba ngày Tết. Nhưng không phải chỉ có thế. Hình ảnh ấy còn gợi cho ta nhớ đến các ông thầy, thầy đoán mạng, thầy coi số, coi tướng, gọi chung là thầy bói, đã hàng chục năm hành nghề ở quê hương xưa, đã từng tạo nên một phong trào vô cùng phát đạt, đặc biệt tại Sàigòn.

Ngày Xuân đi lễ Lăng Ông là một hình ảnh đẹp làm sống lại cảnh phồn vinh đã thực sự có một thời tại miền Nam thân yêu. Ghi lại đầy đủ, càng đầy đủ càng hay, về các vị thầy bói đã một thời tạo nên một phong trào phát đạt như đã nói trên, cũng là một đóng góp đáng kể vào ‘công cuộc bảo tôn văn hóa’ vậy.

1/- Các Thầy tại Lăng ông

Lăng Ông là lăng đức Tả Quân Lê Văn Duyệt ở Gia Định, còn gọi là Lăng Ông Bà Chiểu. Lăng không phải chỉ là một nấm mộ được xây thành chung quanh, mà là cả một dinh cơ rộng lớn, kiểu như lăng các vua nhà Nguyễn ngoài Huế vậy : lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức…Tại đây có rất nhiều thầy bói hành nghề. Có những người đi lại ngay trong lăng, giữa lúc thiện nam tín nữ nhân ngày xuân đi lễ đình chùa, và nhất là đến Lăng để xin xăm, gieo quẻ, cầu nguyện hôn nhân. Thường các thầy bói trong Lăng ngồi rải rác khắp nơi và tự động di chuyển. Trải ra một chiếc chiếu hoa và đặt ‘đồ lề’ lên trên. Có khi bày ra một chiếc bàn nhỏ với vài chiếc ghế nhẹ.

Phần đông các thầy bói đều thuộc lớp các cụ xưa, mặc áo dài đen và đội khăn đóng. Nhưng cũng có người muốn tỏ ra thuộc giới có tân học, mặc đồ tây và đeo kính ‘trí thức’. Cũng có người mặc bộ bà ba bình dân cho thoải mái và có vẻ ‘bất cần đời’. Tuy ăn mặc khác nhau, nhưng đã gọi là thầy bói thì vị nào cũng bày ra chỗ hành nghề các thứ giống nhau: một bộ bài tây, ít quyển sách chữ Hán, những xâu chân gà luộc phơi khô, cái mu rùa để bốc. Ngoài ra còn có đèn nhang, giấy màu đỏ và bút lông, mực xạ.

Các ông thầy này đón khách ngay cửa vào Lăng, trong khi các vị thầy khác đều có chỗ ngồi nhất định. Những chỗ ngồi này đều có đóng thuế môn bài hàng năm khoảng chừng một ngàn đồng cho chính phủ, và vì vậy họ có kê được bàn ghế đàng hoàng, có tấm ‘tăng’ để che mưa nắng, có khi còn có mái lợp như một phòng nhỏ, trên bãi cỏ. Bên hông trái Lăng Ông, trên một phía lề đường Trịnh Hoài Đức là nơi họ tập trung, chừng 20 vị. Thường là họ đoán vận mạng, tình duyên cho khách theo thẻ xăm rút được.

Lăng Ông nổi tiếng với vụ này đến nỗi trong một bài hát của ban hợp ca AVT có đoạn rất tếu :

Năm mới đừng để vợ la / Đừng chơi cờ bạc đừng ra bót nằm / Chi bằng đi lễ Lăng Ông / Đầu Xuân năm mới xin xăm cầu tài / Mồng một đi lễ Lăng Ông / Cầu anh đắc lộc bằng trăm ngày thường

2/- Các Thầy Bói Người Tàu

Tại một số khách sạn sang trọng ở Chợ Lớn xưa kia như Bát Đạt, Phượng Hoàng, Đồng Khánh, có một số các ông thầy người Trung Hoa nổi tiếng đặt trụ sở hành nghề và cũng thu hút khách người Việt thuộc giới ‘tư sản mại bản’ ! Họ có những cái tên nghe thật quyến rũ (về phương diện huyền bí) như : Sơn Đầu Bạch Vân Đại Sư, Đại Lục Tiên, Hà Thiết Ngôn Đại Sư…

Các vị bốc sư người Trung Hoa này thường tự xưng là bốc sư đại tài từ Hồng Kông sang và tự tạo cho mình một vẻ tiên phong đạo cốt đặc biệt. Tuy vậy, một khi họ đã đặt trụ sở hành nghề thì điều trước tiên để đến với….các tiên ông vẫn là tiền! Các thầy này không biết nói tiếng việt nên tất nhiên phải có thông dịch viên nếu không phải là người Tàu. Ngoài ra, còn có mấy vị nữa cũng mang những đại danh rất là kiếm hiệp như : Sơn Đầu Mã Ngọc Long, Mã Cơ Sanh !

Vào khoảng năm 1971, 1972 quý vị thầy này chỉ coi tay tài lộc trong hai năm cũng đòi năm ngàn, chọn ngày làm ăn buôn bán thì mười ngàn, lấy số tử vi thì ba chục ngàn. Họ xưng danh đại sư từ bên ‘đại quốc’ qua, và dù chỉ một lần, họ cũng hấp dẫn được khách hiếu kỳ hay hữu sự tìm đến họ. Họ sống một cuộc đời sung túc, vương giả, bay từ nước nọ qua nước kia, suốt đời ở khách sạn, ăn cao lương mỹ vị tại các đại tửu lầu.

Thật ra các vị thầy Tàu này đến Việt Nam hay các nước vùng Đông Nam Á thì có thể bịp được, chứ riêng dân Trung Hoa ở Chợ Lớn thì không tin. Họ cho rằng đó chỉ là những tên vô tài bất tướng, không có nghề nghiệp gì để sống bên chính quốc nên mới phải đi tha phương cầu thực như vậy.

3/- Thầy bói của các nhân vật chính trị

Vào khoảng năm 65-67 tại Sàigon, hễ dở những tờ báo ở trang quảng cáo ra, ai cũng phải để ý đến những dòng bốc thơm các vị thầy bói. Nào là ‘giáo sư thần học’, ‘chiêm tinh gia’, ‘maitre’, ‘quỷ cốc đại sư’…Họ làm ăn phát đạt, có uy thế mạnh mẽ, được trọng vọng nể vì bởi chính các nhân vật hàng đầu của quốc gia.

Không ai không biết chuyện đầu năm Nhâm Tý, đại tá Trần Văn Lâm giám đốc Việt Tấn Xã đã long trọng mời ba ông thầy Huỳnh Liên, Minh Nguyệt và Khánh Sơn lên đài truyền hình nói trước dân chúng về vận mạng quốc gia. Cũng không ai quên (nếu đã được biết) thầy Vũ Hùng ở đường Nguyễn Trãi Sàigòn đã treo tại phòng khách của thầy một bức tranh sơn mài tuyệt đẹp, có khắc hàng chữ :’Ông Nguyễn Bá Lương, Chủ Tịch Hạ Nghị Viện, kính tặng nhà tướng số Vũ Hùng’

Người ta cũng được nghe nhiều giai thoại về những cuộc tiếp đón các nhân vật lớn của chính quyền miền Nam của một ông thầy nổi tiếng ở Cao Nguyên. Ông thầy Chiêm còn trẻ và không mặc áo dài, đội khăn xếp như ai. Ông mặc Âu Phục đúng mốt nhưng kiểu trẻ và luôn luôn diện kính ‘mát’, trông rất ‘bô trai’ .Nếu không biết ông từ trước thì khó ai trông thấy ông đi bát phố (khu Hòa Bình) mà lại ngờ được đó là một ông thầy bói! ông tỏ ra là một người khôn ngoan lanh lợi. Tuy vậy, với tư cách thầy bói, ông đã xử sự như người đời xưa, như trong chuyện Tàu. Người ta đồn rằng chính ông đã được hân hạnh đón tiếp các nhân vật lừng danh : Cụ Phan, ông Nguyễn, ông Hà… và đã làm một cử chỉ rất điệu là là sụp xuống lạy và nói : ‘Ngài quả là có chân mạng đế vương !’ Người ta cũng ghi nhận rằng do lời tiên đoán và sự xuất khấu đầu đảnh lễ của ông thầy, trong một năm nào đó , tại miền Nam, đã có tới 11 vị có chân mạng đế vương ra tranh chức tổng thống! chừng đó, đủ chứng tỏ uy tín của ông thầy Chiêm lớn lao như thế nào.

Cũng không phải chỉ riêng ở nước ta, mà hình như ở đâu thì chính khách cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề bói toán. ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.’ Không tin hẳn, nhưng nếu cứ bói thử thì vẫn còn hơn là tự quyết định vận mệnh quốc gia. Có lẽ ở quốc gia nào, dù Tây phương hay Đông phương, thì mỗi chính khách đều có riêng một ông thầy, cũng như một ông bác sĩ tư, một bà bí thư riêng nữa vậy!

Với các chính khách, các thầy không những bấm độn, coi tướng, mà còn đưa ra những lời khuyên để thay đổi tướng mạo cho được ông thành danh toại hơn. Ví dụ, một vị tướng có một khuôn mặt quá ngắn và lưỡng quyền cao, thì được ông thầy cho hay như vậy phúc đức sẽ từ lưỡng quyền trôi tuốt luốt hết. Muốn cho công danh phát triển được lâu bền thì phải làm cho khuôn mặt dài ra, bằng cách để một chòm râu thòng xuống. Quả nhiên khi để râu dài như vậy, khuôn mặt tướng quân thon hơn, tướng mạo đổi khác nhiều lắm. Cũng có trường hợp một chính khách đầu đã bạc phải nhuộm, nhưng ông thầy cho biết nếu nhuộm tóc sẽ ảnh hưởng xấu đến cái tướng đang phát rất tốt đẹp. Vì vậy nhà chính khách đành buộc lòng để nguyên đầu tóc bạc phơ, trong lòng buồn vô hạn !

Những anh em, phần lớn là văn nghệ sĩ, nhà báo, hay ngồi ở quán Givral ngày xưa còn nhớ chuyện người ta kháo nhau rằng đáng lẽ cuộc đảo chánh hay ‘cách mạng’ năm 1963 phát động sớm hơn, nhưng vì các thầy đã bấm độn thấy là không được, nên đã phải dời qua ngày 1/11/63 đấy !

Cũng có vị chính khách được thầy bói khuyên là nên luôn luôn thắt cà vạt màu xám có sọc màu hồng, và ông đã âm thầm làm như vậy trong bao nhiêu năm trời. Những giai thoại trên chứng tỏ rằng ở một giai đoạn lịch sử đã qua, các vị thầy bói đã có ảnh hưởng thật lớn, nếu không nói là đã đóng những vai tro quan trọng trên chính trường.

4/- Các thầy bói nổi tiếng nhất xưa nay

Lẽ tất nhiên, chúng ta không ai có thể dám nói rằng mình biết được hết tên tuổi các vị thầy bói Giao Chỉ, dù chỉ riêng tại Sài gòn và phụ cận, chứ đừng nói là ở khắp nước Việt Nam. Vậy, sau đây cũng chỉ là một số tên tuổi lẫy lừng nhất được nhiều người biết. Trước hết phải kể đến các Bà Thầy :

Bà Anna Phán, dường như xưa kia có chồng là người Pháp, đã nổi tiếng một thời từ ngoài Bắc, Hà nội. Khi bà theo làn sóng di cư trôi vào Nam thì chỉ còn hành nghề được ít năm nữa. Cũng có người cho rằng là vì tuổi già sức yếu nên con cháu không muốn bà tiếp tục, dù rằng lộc thánh hãy còn.

Trẻ hơn Bà Anna Phán, có một bà hình như là người Pháp và cũng mang cái tên rất đầm : Madame Claire.

Madame Claire chẳng những bói hay mà còn là một người lịch lãm và gợi cảm. Có một công tử Bạc Liêu về già đem đến tặng Madame vài món nữ trang đáng giá.

Cô Bích, một thiếu phụ nổi danh về bói toán mà cũng có lập am, lên đồng, là người Đà Nẵng. Xưa kia, hồi còn Pháp thuộc, cô đã từng có chồng sĩ quan Pháp nhưng không có con. Là người thất học nhưng khi đồng lên, cô Bích viết chữ Hán đẹp như rồng bay phượng múa. Đó là lời tiên thánh truyền dạy cho kẻ đến hầu cửa cô, một người mà khi đồng lên thì trở nên đẹp lộng lẫy với cặp mắt sắc như dao. Cô Bích đã tạ thế tại Đà Nẵng sau năm 80.

Nhưng vị thầy bói nữ lừng danh hơn cả phải kể là bà Nguyệt Hồ ở Đường Đinh Công Tráng thuộc quận Tân Định. Vào khoảng cuốn năm 1974, bà Nguyệt Hồ 43 tuổi, xưa kia đã từng nổi tiếng là hoa khôi, hình như bà đã trúng tuyển kỳ thi hoa hậu do báo Đời Mới của ông Trần Văn Ân Tổ chức.

Cả bốn vị nữ thầy trên đây đều đã thành công với nghề nghiệp và sống một cuộc đời sung túc, nếu không nói là vương giả. Các bà không những chỉ bóc bài, xem chỉ tay mà còn làm công việc giới thiệu tình duyên và gỡ rối tơ lòng. Các nữ thân chủ khi có chuyện rắc rối về gia đạo là tìm đến các bà như tìm đến những cái phao. Tuy các bà thầy cũng thành công, nhưng so với quý ông thì số lượng ít hơn. Người ta còn nhớ tại Sàigòn có các thầy nổi tiếng như : Gia Cát Hồng, giáo sư Khánh Sơn, thầy Nguyễn Huy Bích, thầy Minh Lộc, thầy Minh Nguyệt, thầy Lanh, thầy Diễn và thầy Ba La.

Thầy Gia Cát Hồng: tên thật là Phạm Bảo, nguyên là công chức thuộc nha cảnh sát công an Bắc Việt trước 1954. Sau khi di cư vào Nam, ông Bảo thôi nghề công chức, sau đó một thời gian mới mở văn phòng đoán vận mệnh tại đường Trần Quốc Toản, gần Việt Nam Quốc Tự. Thầy tự quảng cáo là nhà tiên tri xem tử vi, chữ ký. Nổi tiếng về tài xem tử vi mà nói đúng được diên mạo người xem, tầm vóc, lớn nhỏ, nghề nghiệp, màu da…mà không cần trông thấy mặt.


Ngoài việc bói toán, thầy Gia Cát Hồng kiêm luôn nghề thầy thuốc chữa những bệnh như: kinh phong, phong ngứa, phong tình…kết quả rất tốt. Thầy làm ăn phát đạt đến nỗi chẳng mấy chốc đã trở nên chủ nhân ông nhiều tài sản lớn.

Thầy Nguyễn Huy Bích: Cũng chánh quán Bắc Việt, là người bị mù từ thuở sơ sinh, đã hành nghề từ phố Huế Hà nội 36 năm, sau mới vào sàigòn theo đợt di cư. Trong các thầy lừng danh, cụ Bích nổi tiếng là người hiền lành đứng đắn. Cụ rất ngại mở rông sự giao tiếp, dù rằng thân chủ tìm đến rất đông. Cụ cũng chỉ xem cho người quen, để có thể nói thật mà không sợ mất lòng hay gây thù oán. Nhiều nhà văn ở Sàigòn là bạn thân của thầy Bích. Ngoài ra cụ Bích cũng là bạn thân của đạo sĩ Ba La. Không chủ trương kiếm nhiều tiền, cụ Bích không có của chìm của nổi như thầy Gia Cát Hồng.

Thầy Minh Nguyệt: không như thầy Gia Cát Hồng tự xưng là nhà tiên tri, thầy Minh Nguyệt tự quảng cáo trên báo là giáo sư Minh Nguyệt, và mở văn phòng ở Đề Thám. Cùng với các thầy Huỳnh Liên, Khánh Sơn, thầy Minh Nguyệt là một nhà bói toán có đến hàng chục ngàn thân chủ. Đặc biệt, riêng thầy Minh Nguyệt còn biết đủ thập bát ban võ nghệ, ngoài tài tử vi và xem chỉ tay.

Nhiều đồng hương đến nay đã ra nước ngoài mà xưa kia đã từng đến coi bói tại văn phòng giáo sư Minh Nguyệt vẫn nhớ giọng nói miền Nam rất vui vẻ của ông – giống như kịch sĩ Tùng Lâm – và cũng nhớ căn phòng đầy nữ thân chủ, phần đông là các cô có chồng quân nhân Mỹ đã bỏ Việt Nam trở về cố quốc. Các cô tới để nhờ thầy đoán xem bao giờ gặp lại cố nhân để cho đời sống được lên hương như trong quá khứ. Trong số hàng chục ngàn thân chủ, có cả hàng chục cô mong được nâng khăn sửa túi cho giáo sư ‘Sáng Như Mặt Trăng’, nhưng thầy nghiêm lắm, chẳng bao giờ ‘trăng hoa.’

Thầy Minh Lộc: cũng sinh quán từ Bắc Việt di cư vào Nam, mở văn phòng tại đường Lê Văn Duyệt Sàigòn. Thầy là người đã hành nghề lâu năm trước, từ ngoài Bắc, và có thụ giáo với một số thầy khác. Điểm đặc biệt là thầy Minh Lộc rất khó tính, nghĩa là nói thẳng, nói ngang, nói như tát nước vào mặt người đến năn nỉ xin thầy xem giúp. Đây cũng là đặc điểm chung của các thầy muốn tỏ ra tự trọng, áp dụng câu châm ngôn rút ra từ truyện Kiều : ‘Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm vàng’. Lắm khi thầy mắng người ta đến xấu hổ và xua tay đuổi như đuổi tà, nhiều người giận bỏ về, nhưng rồi lại cứ mò tới !

Tự trọng và treo giá là phải, vì thầy đoán rất hay. Có người đã tắt thở, thân nhân đã đặt hòm, mà thầy vẫn xem tử vi và bấm độn quả quyết số này chưa mãn. Quả nhiên người ấy hồi sinh, và thân nhân trả hòm lại mà không lấy tiền về, xem như là để ăn mừng vậy. Và cũng như phần đông các thầy đã nổi tiếng, thầy Minh Lộc không chạy được ra nước ngoài vào đợt di tản 30-4., kể cả thầy Chiêm và thầy Khánh Sơn cũng không !

Thầy Nguyễn Văn Canh: cũng là người sinh quán tại Bắc Việt (Nam Định). Thầy Canh cũng mù lòa từ thuở sơ sinh, nên được gia đình cho học nghề bói toán để làm kế sinh nhai. Thuở đầu đời, thầy hành nghề tại Thái Bình, Hà nội, và đã di cư vào Nam sau 1954. Điểm đặc biệt của thầy Canh là có đến mười người con, tất cả đều được sinh trưởng trong cảnh no ấm sung túc nhờ nghề của thầy là một nghề rất sáng giá tại quê nhà, vào thời buổi ấy. Thầy sở trường về tử vi và bói dịch, nổi tiếng như một nhà tiên tri.

Dáng người bệ vệ cao lớn, thầy có sức khoẻ dồi dào và thần trí minh mẫn. Xem tử vi trên năm đầu ngón tay, thầy Canh chỉ cần nghe ngày sinh tháng đẻ của thân nhân một lần là nói ngay vanh vách sao nào đóng ở cung nào, cung thê có đào hoa hồng loan thì sao, cung mệnh không có chính diệu mà đắc tam không thì cuộc đời sẽ như thế nào. Nói rồi, thầy nhớ mãi, lần sau khách tới chỉ cần nói tên là thầy biết số này ra sao! Đến nay, tại Mỹ, nhiều người còn nhớ được câu ‘mệnh vô chính diệu đắc tam không’ là nhờ học được của thầy Canh.

Thầy Lê Văn Diễn: Người viết bài này không dám tin chắc họ của thầy Diễn là họ Lê, chỉ nhớ là ngưòi ta đã gọi vậy, nhưng phần đông đều chỉ gọi là thầy Diễn. Không như các thầy ở ngoài Bắc di cư vào Nam, thầy Diễn là công chức miền Nam đã về hưu. Nhà riêng ở đường Hiền Vương gần đất Thánh Tây, nhưng thầy ít khi tiếp khách tại nhà, mà thường thân chủ muốn rước thầy phải hẹn trước hàng tháng, hàng tuần,và thỉnh thầy về nhà một cách long trọng.

Thầy không nổi tiếng với khoa tướng số tử vi hay bấm độn, hay bói tướng, mà tự nhiên có thể xuất thần nói được những điều huyền bí, tiên tri ghê gớm về quá khứ vị lai. Tây phương gọi loại thầy tiên tri này là Medium.

Điểm đặc biệt của thầy cũng lại là khó tính. Thầy tối kỵ nhận tiền bạc hay lễ lạc của thân chủ, dạy rằng nếu được trả tiền thì bao nhiêu cái hay sẽ mất hiệu nghiệm và việc làm của các thầy sẽ không còn phải là cứu nhân độ thế nữa. Mỗi khi khách có tang gia bối rối, lần mò vào được nhà thầy, liền bị người nhà ra mời đi, nói rằng thầy lúc này đã muốn nghỉ ngơi, các quý khách đã rước thầy đi ngao du sơn thủy, đâu có ở nhà mà giúp bà con được! Nhưng rồo cuối cùng thầy cũng giúp cho, và thân chủ phải nghĩ sao cho phải thì thôi, để gọi là lòng thành lễ bạc! Nhiều giai thoại về tài nhìn thấy vị lai của thầy đã được truyền tụng. Ngoài ra, thầy Diễn còn có tài địa lý, nhìn hướng nhà mà biết nhà có hợp để ăn nên làm ra không, cửa trổ về hướng nào thì có lợi. Những giai thoại về thầy Diễn cũng nhiều, nhưng xét ra cũng tương tự như các thầy khác.

Điểm đặc biệt là thầy được coi như một người có khả năng xuất hồn, chứ không phải chỉ bói toán tử vi hay địa lý. Cũng như thầy Chiêm ở Đà Lạt, thầy Diễn xuất hồn để tiếp xúc với hồn người quá vãng. Thầy Chiêm cầm ống điện thoại cũng kêu hêlô, hêlô và hai bên đối thoại, có cả những tiếng OK,OK nữa. Còn thầy Diễn thì thế nào, kẻ viết bài này chưa được chứng kiến.

Thầy Khánh Sơn: Có lẽ so với tất cả các thầy đã được kể trên, thì thầy Khánh sơn là người nổi tiếng nhiều nhất và lâu nhất.

Từ những năm nước nhà còn Pháp thuộc, các bậc tiên sinh đã nghe danh thầy, tự xưng là Mét (Maitre). Mét Khánh Sơn. Báo chí thời tiền chiến đã đăng hình thầy: đẹp trai, đeo kính trắng trí thức, một ngón tay chỉ vào cái chìa khóa, tượng trưng cho sự khám phá mọi điều huyền bí chăng? Mét đã hành nghề đâu từ những năm 40-45 xa xưa, sau khi tốt nghiệp bằng sư phạm tại Hà nội, chứ không phải vì thất nghiệp mà phải xoay nghề như một số các ông ở bên Tàu qua, như đã nói ở trên

Kẻ viết bài này còn nhớ đã đọc đâu đó trên báo chí, hồi còn ở quê nhà, nhiều giai thoại đặc biệt về thầy Khánh Sơn. Nào là, thầy là người hào hoa phong nhã, lại làm ra tiền dễ dàng nên đã sống cuộc đời của một Don Juan! của một công tử Bạc Liêu! của một ông hoàng! Mặc dầu có gia đình và những ngưòi con cũng rất đàng hoàng, thầy Khánh sơn vẫn được rất nhiều các bà, các cô mê mệt! Nào là, thầy đã từng xem quẻ mà cứu được mấy nhân vật trong chính giới thoát chết của viên toàn quyền Pháp Pasquier trấn nhậm Đông Dương vào năm 1936. Theo lời các cụ kể lại thì Mét Khánh sơn đã đưa ra một câu sấm như thế này để giải đoán trường hợp ông toàn quyền năm xưa :

Bao giờ hai bảy mười ba

Lửa thiêng đốt cháy tám gà trên mây

Đại khái thầy Khánh Sơn cho rằng Tám Gà là Bát Kê, và trên mây là máy bay. Sau đó, máy bay trên có viên toàn quyền bay về Pháp đã bốc cháy và đốt cháy không những ông ta mà cả tám người trên phi cơ. Chuyện khó tin, nếu mà đúng thế thì quả cái tài của Mét Khánh Sơn thật là vô địch. Sợ rằng sấm chỉ ra đời sau khi sự việc đã xảy ra. Dầu sao, cũng có tài liệu ghi chép rằng chính ông Pasquier đã được nghe câu sấm và lời giải đáp tại một phiên chợ ở Hà nội, trước khi tai nạn xảy ra. Thời gian hành nghề hốt bạc của thầy Khánh Sơn kéo dài rất lâu. Thầy đã từng là nhà đoán vận mạng riêng của rất nhiều nhân vật tên tuổi như: cựu hoàng Bảo Đại, cựu hoàng Sihanouk…

Cho đến năm Nhâm Tý 1972, cá thầy Khánh sơn, Minh Nguyệt, và Huỳnh Liên được mời lên tivi tiên đoán vận mệnh nước nhà, thì cả ba đều nói những điều tốt đẹp, nhìn thấy hòa bình tiến lại gần, thật gần cho nhân dân miền Nam ! Tiếc thay, không có thầy nào tiên đoán được biến cố long trời lở đất 30/4 để mà tháo chạy !

Thầy Ba La : Danh xưng Ba La gợi nên hình ảnh một vị bốc sư Ấn Độ, hay Hồi Giáo, đầy vẻ huyền bí của xứ Nghìn Lẻ Một Đêm. Thật ra thầy Ba La cũng sinh quán ở Bắc Việt Nam, và cũng di cư vào Sài gòn sau năm 1954. Trước đó, thầy đã nổi danh tại miền Bắc lâu lắm rồi, vì đến nay, nếu thầy còn trường thọ ở quê nhà thì thầy đã ngoài 110 tuổi! Trước 1975, thầy Ba La mở văn phòng bói toán tại đường Nguyễn Phi Khanh, khách bước vào trông thấy ngay một cụ già tiên phong đạo cốt, râu tóc bạc phơ, chẳng khác gì các đạo sĩ trong truyện Tàu.

Thầy Ba La chuyên về tử vi, bói dịch, nhưng cũng nổi tiếng như một nhà tiên tri vì thầy hành nghề quá lâu năm, tài nghệ không như những thầy tử vi, bói dịch thường tình. Thầy cũng bị lòa từ lúc trẻ nên đã chọn nghề này để sinh sống, và bởi vậy nghề của thầy có căn bản vững vàng, sở học tinh thông. Thông thạo Hán văn và là tiên chỉ trong làng, nên thầy rất được nể trọng bởi người cùng giới cũng như thân chủ, đồng bào nói chung. Có đến văn phòng thầy Ba La để thấy thầy tiếp khách, toàn là các vị trí thức, giáo sư, kỹ sư, luật sư, mới biết cái giá trị của người bói toán ở nước ta thời ấy như thế nào. Có người không tới để nhờ thầy đoán vận mệnh, mà chỉ đến để xin được luận đàm về tử vi. Cụ Ba La không làm khó trong việc tiếp thân chủ. Ai cần là cụ sẵn sàng xem cho, trong ý hướng giúp đỡ. Nhưng cụ khó tính trong cái nghĩa là hết sức thận trọng khi đặt một lá số, khi gieo một quẻ bói. có khi kéo dài rất lâu, nghiên cứu rất tỉ mỉ.

Mỗi vị thầy bói đều có riêng những giai thoại về mình. Cụ Ba La thì được nhiều người thành tâm khâm phục vì đích thân chứng kiến tài năng của cụ, đích thân là người được cụ cứu thoát chết nhờ chỉ dẫn cách sinh sống sao cho hợp với tướng số của mình v.v…

Cũng trên một giai phẩm nào đó, người ta được biết một giai thoại ly kỳ về tài năng xuất chúng của cụ về giải đoán số tử vi.

Một thanh niên người miền Bắc, con của một gia đình giầu có nhưng bà mẹ chỉ sinh được một lô con gái, vào thời buổi mà xã hội còn đánh giá người đàn bà thật thấp với câu: ‘Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô’ (một con trai cũng đáng kể là có, mười con gái có thể coi là số không). Vì lo toan không có con trai nối dõi tông đường sẽ cam tội bất hiếu, ông bà liền đi lễ chùa Hương để cầu tự. Trải qua nhiều năm tháng, chứng tỏ lòng thành, ông bà đã được toại nguyện. Trời Phật ban cho một đứa con trai. Mặc dầu được nuôi nấng cẩn thận, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, nhưng năm lên ba tuổi cậu bé cầu tự này bỗng nhiên bị bệnh nhẹ mà mất, làm cho cả đại gia đình vô cùng thương tiếc, đau khổ.

Họ không nản lòng, lại tiếp tục ngày đêm cầu nguyện, lòng thành dâng lễ vật lên chư vị thánh thần tại chùa Hương để xin các ngài xét lại, tha thứ cho những lỗi lầm đã phạm, nếu có, và xin được ‘trả lại’ đứa con trai cầu tự. Ba năm sau, nhờ ơn Trời Phật, bà mẹ lại sinh được một đứa con trai, mà cả nhà xem như là chính người con trước đã tái sinh. Mà họ tin như vậy là phải, vì dung mạo người em như khuôn đúc từ người anh, không khác một điểm nào, kể ca û nốt ruồi son ngay giữa ngực. Vì vậy hai ông bà thân sinh lấy tên người anh đặt cho người em, cả giấy khai sanh đều giữ nguyên của người anh để đi học, dù rằng họ cách nhau ba tuổi.

Cậu bé lớn lên, học hành đỗ đạt, và vì biết chuyện đã xảy ra cho bản thân mình đầy tính cách mê tín dị đoan, huyền bí, khó tin, nên cậu ngày đêm thắc mắc muốn tìm ra sự thật. cậu một mình trôi dạt vào Nam, người thanh niên phải trải qua những năm tháng vật lộn với đời sống phồn hoa để sống còn. Người thanh niên, tạm gọi là anh X. luôn luôn nghĩ đến chuyện tìm đến một vị thầy tử vi, một nhà bói toán hay để nhờ giải đáp bài toán của cuộc đời mình.

Chính tại Sàigòn mà anh X. được nghe danh nhà tiên tri Ba La. Chẳng những đã đỗ cử nhân Hán học, cụ còn là một nhà ái quốc từng tham gia các phong trào chống Pháp. Được biết cụ Ba La không phải mù lòa từ thuở sơ sinh mà chỉ bị mù sau khi trèo đèo lội suối vô cùng gian khổ tại núi Ba Vì, lòng anh X. vô cùng cảm xúc ngưỡng mộ người thầy bói có một quá khứ đẹp và anh tin tưởng người ấy nhất định không dối gạt.

Anh X. tìm gặp được cụ Ba La tại Sàigòn. Anh đưa trình lá số tử vi của người anh đã chết để nhờ thầy giải đoán. Thầy Ba La càng coi kỹ lá số càng tháo mồ hôi, miệng không ngớt kêu : ‘lạ quá, lạ quá’. Sau cùng, thầy nói rằng :

- Nếu thật anh sinh vào ngày giờ này, tháng này, năm này, thì anh đã mệnh yểu từ năm lên ba !

Thầy Ba La xem kỹ các vì sao chỉ tướng mệnh, rồi gọi người nhà ra nhận xét và trả lời từng điểm : có phải cái trán thế này, cái mũi thế này, cặp mắt thế này, tầm vó cao lớn như thế này…không ? Và nhất là có nốt ruồi son ở giữa ngực ? Cụ Ba La lập lại :

- Có nốt ruồi đỏ thật à ? Thế thì lạ quá ! Tôi chịu, không đủ tài đoán số này cho anh. Anh hãy cầm tiền về và chỉ đến khi nào anh… có được một lá số tử vi khác !

Trên nét mặt ông thầy đượm vẻ buồn và bực tức. Cụ Ba La bực tức vì cảm thấy, lần đầu tiên, mình không tin ở khả năng của mình. Cũng bực tức nghi ngờ phần nào người thân chủ này đã có thể không thành thật.

Anh X. cảm phục đến sợ hãi, lòng ăn năn vì đã dám thử thách một bậc tiền bối khả kính. Cuối cùng anh X. đã trở lại lần nữa, thành tâm xin lỗi cụ và trình ra lá số tử vi thật. Từ đó, anh hoàn toàn tin tưởng ở khoa tử vi như là một khoa học huyền bí, chứ không phải là một trò mê tín dị đoan.

Tiếc thay, cụ Ba La đã không được mời lên tivi tiên đoán vận mạng đất nước vào năm Nhâm Tý 1972, để nói những lời tiên tri xác thực hơn các vị đã được mời năm ấy.

Chiêm tinh gia Huỳnh Liên; Nhắc đến thầy Huỳnh Liên sau hết, không phải vì thầy ít nổi tiếng hơn các vị kia. Trái lại là khác. Nhưng để dành phần sau hết nói về thầy là vì trong số các nhà tử vi, tướng số lừng danh miền Nam trước năm 75, ông Huỳnh Liên là người duy nhất được báo chí Việt ngữ ở nước ngoài biết được tin tức ‘động trời’ về ông, qua một cái chết bất đắc kỳ tử gây ngạc nhiên và xúc động cho bà con ở bên này.

Số là, vào đầu tháng 10/1992, nhiều báo Việt ngữ ở đây loan tin về cái chết của ông, qua một hàng tít giật gân : ‘Thầy bói Huỳnh Liên bị cháu vợ giết chết để cướp của’. Tin này được truyền miệng nhanh chóng, và những người theo dõi, tò mò, đều tưởng rằng chuyện mới xảy ra ở Sàigòn. Về sau mới biết đó chỉ là tin viết lại từ báo Sông Bé, tờ báo xuất bản tại huyện Lái Thiêu tỉnh Bình Dương. Bài viết đầy đủ chi tiết về cái chết, về cuộc sống đã qua, mang hình thức một thiên phóng sự, có điều đáng tiếc là từ đầu đến cuối không thấy nói ngày kẻ cướp vào nhà sát hại ông là ngày nào, năm nào !

Theo bài này thì trong những năm làm ăn phát đạt ở Sàigòn xưa kia (trước 1975), ông Huỳnh Liên có tậu một khu vườn-nhà ở làng Vĩnh Phú – Lái Thiêu – để khi rảnh rỗi ông từ sàigòn về đây vui thú với bà vợ nhỏ, trong khi bà cả vẫn đóng đô ở ngôi nhà chính trên đường Phan Thanh Giản Sàigòn.

Sau năm 1975, nghề coi bói không còn được xem là hợp pháp, thầy Huỳnh Liên cũng như tất cả các thầy khác, đều tỏ ra thức thời, viết bài cảnh tỉnh chối bỏ quá khứ để nạp cho nhà cầm quyền, hứa rằng ‘Từ nay thôi không lừa bịp bà con nữa’. Từ đó ông về ở hẳn với bà vợ nhỏ, một cuộc sống cũng lạnh lẽo đìu hiu như với bà vợ lớn vậy, vì cả hai bà đều không có con. Rồi thì, sau giai đoạn đầu hăng say của ‘cách mạng’, đâu lại vào đấy, bà con lại tìm đến các thầy bói để giải quyết những vấn nạn của đời sống.

Theo báo Sông Bé thì ông Huỳnh Liên không tin tưởng bà vợ nhỏ lắm, nên xâu chìa khóa mở tủ cất tiền và vàng ông luôn luôn giữ bên mình. Một hôm đường dây điện thoại trên lầu bị hư, ông sai bà đi gọi hai người cháu của bà lên sửa cho chắc ăn. Tới chiều, hai anh thợ điện mới lên tới nhà và bảo ông Huỳnh Liên là bà ở lại Sàigòn chơi đến mai mới về. Vừa đến nhà, hai anh thợ điện liền xem xét chiếc xe hơi của ông chủ nhà nằm trong ga ra đã lâu năm coi còn tốt không. Sau đó, họ theo ông chủ lên lầu lo sửa điện, trong khi chị bếp đi bắt gà đãi khách. Khi chị bếp trở lại thì nghe có tiếng động khả nghi, chị chạy lên lầu thì thấy một cảnh tượng hãi hung : Một người cầm khúc dây điện ngắn xiết chặt cổ ông Huỳnh Liên, ông trợn mắt và không la lối gì được. Chị bếp bỏ chạy xuống đường, vừa lúc gặp hai xe bộ đội từ chiến trường Tây Nam trở về, lính trên xe bắn súng chỉ thiên chơi. Hai tên giết người nghe súng nổ, tưởng rằng công an đã đến nơi, vội vàng lên xe tháo chạy.

Trong lúc quýnh quáng, chúng quên mất hai cái áo còn cởi bỏ trong nhà. Chị giúp việc chạy đi cầu cứu. Lúc công an đến thì ông Huỳnh Liên đã chết. Người ta thấy cái tủ cất giấu tiền, vàng của ông vẫn còn nguyên và đồ đạc trong nhà cũng không bị mất món nào. Trong túi áo hai kẻ sát nhân còn bỏ lại, có đầy đủ giấy tờ tùy thân của chúng. Nhờ đó mà công an khỏi phải mất nhiều công sức cũng tóm gọn cả hai tại nhà ở Sàigòn ngay trong đêm.

Bài phiếm vãn về thầy bói này, có đoạn về thầy Ba La, thầy Lê Văn Diễn thì dài, về các thầy khác thì ngắn, vì người viết được biết về các thầy nhiều ít khác nhau. Hiện nay, sống trên đất Mỹ, được biết ‘càng ngày càng nhiều tài tử, ca sĩ, diễn viên và người mẫu Hollywood quay trở về với khoa học huyền bí, theo nhiều hệ phái và tín ngưỡng khác nhau’. Huống nữa là người Việt Nam, sao lại không thích chuyện thầy bói ?


ST

Tổng hợp các loại ma Thái

Loài ma thường ngồi trên ngực, ở phía gan của người bị ám, gây khó chịu.

Loài mà này tuy không dữ ác, nhưng vẫn thường thu hút nguyên khí con người.

Phi Chamop



Ma này vốn là người phụ nữ khi vào trong rừng bị ám chết.

Loài này vốn không làm hại con người.

Phi Hà --


Đây là vong linh của người phụ nữ chết trong khi sinh khó.

Chính vì chết trong đau đớn và mất mát nên loại ma này được coi là rất hung bạo.

Phi Krahang


Ma này xuất hiện với hình dáng một người đàn ông với lông và đuôi như một con chim. Khuôn mặt như quái thú.

Nó ăn filth và glows vào ban đêm.(dịch không được)

Đây là loại vong linh khó chịu và đáng sợ.

Phi Krasi (Ma xó)



Krasi có màu của lửa, thân dài, có đuôi màu xanh. Loài ma này thường được các bà phù thủy (bà đồng) triệu tập theo bên người.
Ma krasi thích sống ở dưới những mô gò và thường không gây hại cho con người.
Đôi mắt của nó thường không chớp và không dám nhìn vào mắt người.

Trước khi phù thủy có luyện ma krasi chết, họ sẽ tìm một ai đó kế thừa để trao lại những con ma krasi này.

Phi Lok

Đây là một dạng địa linh.
Nó sợ con người và ít khi làm hại đến ai nếu như không xâm phạm gì đến nó. Loài này thỉnh thoảng vẫn hiện lên cho con người bắt gặp.

Phi Prai --

Vong hồn của người phụ nữ đã chết trong khi sinh con. Đồng thời, cơ thể của cô ta được các thầy pháp luyện thành nơi trú ngụ cho một loại ma con gọi là Phi Tai Tong Klom.( một dạng Gumanthong)

Để luyện phép, thầy phù thủy phải đặt nến dưới cằm của xác chết, và từ tinh chất dầu chảy ra từ xác chết, ông thầy có thể dùng cho nhiều việc, một trong những việc ấy là quyến rũ phụ nữ.

Phi TAI Hà


Vong hồn của người phụ nữ chết vì bệnh sốt rét.

Những con ma cũng sẽ lây lan bệnh này.Cho nên, ai bị loại ma này ám nhập sẽ mắc bệnh như sốt rét.

Phi Khamot

Một vong linh thường xuất hiện dưới hình dạng của một đốm sáng màu đỏ. Ở Việt Nam ta thường gọi là ma trơi.

Phi Nẵng Tani

Một loại vong linh sống nhờ vào sinh khí của cây, chủ yếu là vong linh nữ. Loại này thường đi theo và liếm bát của các sư sau khi thọ thực. Cho nên, sau khi thọ thực xong, các sư thường mang thức ăn thừa rải ra cho các loài khác dùng và rửa bát sạch sẽ để tránh loài ma này làm bất tịnh.

Phi Pa

Một loài ma rừng.

Thợ săn sau khi đi săn được thú, họ thường để lại một mảnh chân, môi, lưỡi hoặc mí mắt của một con vật bị giết để bày tỏ lòng kính trọng đối với các loại ma này.

Phi Phuang Khang

Một loài vong linh trong hình dạng của một con khỉ đen. Loài này rất thích mút ngón cái của những người đang ngủ trong rừng.Người bị mút sẽ mất dần sinh khí mà đau ốm hoặc chết.

Người ta nói loài này cũng thường sống gần bãi biển để liếm muối.

Phi Ka


Những linh hồn này thường ám nhập các phụ nữ. Khi rút hết sinh khí của người này, nó có thể chuyển sang người phụ nữ khác có cùng sở nghiệp, giống như một loại kí sinh trùng vậy.

Phi HAi --

Đây là loài ma đói, một loài vong linh chết một cái chết không tự nhiên như: chiến tranh, bạo lực, tai nạn, chết cháy... không ai cúng bái.

Loài ma này luôn tìm mọi cơ hội ám nhập con người để có thể thỏa mãn cơn đói và sự uất hận vì chết không yên.

Bình thường, chúng có thể gây ra nhiều tình huống để hại nạn nhân như: xô té sông, té vào xe tải...

Phi Pop --


Một loại vong linh rất dữ dằn và nguy hiểm thường hiện lên dưới hình dáng một người con gái đẹp. (Ở Việt Nam, vùng Tây Nguyên, người dân tộc gọi là ma lai rút ruột).


Chúng thường xuất hiện trong đêm, khi cái đầu rời khỏi thân thể bay đi kiếm ăn với đùm ruột lòng thòng. Do đó, hãy cẩn thận phụ nữ xinh đẹp.
Loại ma có lẽ là đáng sợ hơn bất kỳ loài khác ở Thái Lan.

PHI TAI TONG KLOM

Người Thái có niềm tin rằng một người mẹ với đứa bé chết trong bụng mẹ có thể trở thành một loài ma dữ dằn ghê gớm.

Thái người gọi đó là ma PHI TAI TONG KLOM.

Vì vậy, ở Thái Lan, bất kỳ ngươi phụ nữ mang thai nào chết sẽ không được hỏa táng ngay lập tức mà phải được các sư chú nguyện cẩn thận. Bởi họ tin rằng việc hỏa táng ngay sẽ làm cho vong linh của người chết không hài lòng và biến thành ma.

Gumanthong
Cách luyện Guman Thong trong thời cổ xưa mới thật là đáng sợ.
Các thầy đã phải đi đến nghĩa địa một mình trong đêm, đào những xác chết của bà mẹ có mang, cắt bụng của xác chết lấy đứa con ra. Sau đó vội vàng đến khu vực gần nhất lò thiêu gần nhât để nướng sấy đứa bé sao cho khô quắt lại.
Kế tiếp la quá trình luyện phép để vong linh đứa bé trở thành quỷ nhi
Vì vậy, chỉ có các-mạnh tâm trí người sở hữu những kiến thức ma thuật tiên tiến để chống lại ma quái có thể làm điều này.


NAM MAN PRAI

(Nam Man = dầu, Prai = nữ ma).

Các thầy bùa Thái muốn luyện dầu như nhu cầu để kích dục cho đối tượng, họ sẽ luyện phép này... Sử dụng các ngọn nến từ từ sưởi ấm dưới cằm của xác chết để lấy dầu từ xác chết chảy ra. Chất dầu này sẽ dùng để luyện dầu yêu.
Những niềm tin vào ma và tinh thần vẫn còn phổ biến rộng rãi trên toàn Thái Lan & việt nam



Nguồn: www.xacchet.com